Khi lớn, em sẽ nhớ về tuổi thơ của mình như thế nào ?

Em ơi, thỉnh thoảng mẹ lại nghĩ vẩn vơ, khi em lớn, thật lớn, em sẽ nhớ về tuổi thơ như thế nào ? Hình ảnh gì sẽ đọng mãi trong tâm trí em ? Mùi hương nào, vị gì sẽ luôn vương vấn ? Âm thanh hay điệu nhạc nào sẽ thỉnh thoảng lại nhún nhảy trong đầu em ?

Em sinh ra ở Pháp, em chỉ mang nửa dòng máu Việt. Rồi em sẽ trở thành một cô gái Pháp, cho dù em cực ghét ăn fromage. Kí ức về tuổi thơ của mẹ, chắc em khó có thể cảm nhận, mẹ nghĩ thế. Nhưng mẹ vẫn sẽ kể cho em nghe, vì tuổi thơ tạo nên tính cách con người mẹ, em sẽ hiểu mẹ hơn, phải không nhỉ.

Kí ức về tuổi thơ của mẹ, là hình ảnh cỏ may ngập đến đầu, mẹ ngồi rình bắt chuồn chuồn kim. Chuồn chuồn kim màu xanh, cánh trong suốt, đuôi thỉnh thoảng cuộn lại …

Mẹ vẫn còn nhớ cái váy mẹ mặc lúc 5,6 tuổi. Cái váy gửi từ nước ngoài về, trắng sữa, có túi trước ngực là hình một bông hoa.

Mẹ nhớ những buổi sáng đi học trời mù sương, tay xách cặp, tay cầm lọ mực tím …, nhớ cái cảm giác đứng trước sân nhà sáng mùng 1, ngắm xác pháo đỏ, thỉnh thoảng rút quả pháo tép ra đốt đánh đùng dọa con mèo.

Mẹ nhớ mùi hương củi mục cháy, nhớ mùi cá kho, nhớ món bánh bột lọc nhân su hào xào của bà. Mẹ nhớ cả bài « cờ tổ quốc, màu đỏ tươi, cây ngoài vườn màu xanh xanh thắm … » hay hát hồi còn nhỏ.

Nhưng cái mẹ nhớ nhất về tuổi thơ, là cây, em ạ. Mẹ sinh ra và lớn lên ở xứ « miền núi », nên nhiều đồi, nhiều cây lắm. Cả tuổi thơ của mẹ là chơi trong thiên nhiên, chơi với thiên nhiên, giờ mẹ vẫn nhớ cái không khí trong trẻo, hít vào thật sâu cảm thấy mát lạnh cả phổi, lại thấy thơm thơm mùi cỏ non. Em thử một lần nằm lăn ra cỏ, hít một hơi dài đi, em sẽ thích ngay cái mùi cỏ ngái ngái, thơm thơm ấy.

Đấy, mẹ muốn em có một tuổi thơ như thế. Một tuổi thơ trong tình yêu ngọt ngào của cha mẹ, trong sự trong trẻo của thiên nhiên.

Giờ em đã hiểu tại sao mẹ lôi em ra vườn chơi ngay lúc nào có thể. Mẹ cho em ngửi mùi lá chanh, lá húng, rồi mùi oải hương, mùi thym … Cho dù mùi gì em cũng kêu « beurk », cho dù em chỉ khen nước hoa của papa là « xơm », mẹ cũng kiên nhẫn chờ ngày em bảo mẹ « mẹ ơi, lá thơm ».

Mẹ cho em vầy đất, mẹ cho em gieo hạt, cho em tưới cây. Để em nhận ra, không gì kì diệu hơn một hạt giống nảy mầm, không gì thơm ngon hơn một mầm rau trong vườn mẹ. Mẹ cũng dạy em nhổ bỏ cỏ dại, không ngắt hoa vì hoa buồn. Nhưng có lúc, mẹ thật bối rối vì em nhắc mẹ là nhỏ cỏ thì cỏ cũng buồn.

Mẹ dám nhặt cả con giun lên cho em nhìn thật kĩ, mặc dù nổi cả da gà vì thấy nó trơn tuột dưới ngón tay. Mỗi con chim, con ong, con bướm bay qua vườn nhà là cả mẹ cả em đều rộn ràng chạy ra chỉ cho nhau xem. Hôm nay em nhìn thấy hai con bọ dính đít vào nhau, em cười sằng sặc bảo « mẹ ơi chanh nhau » (tranh nhau). Mẹ buồn cười em quá đi mất thôi.

Hồi này em suốt ngày ngêu ngao bài « mẹ ơi tại sao con bướm bay cao, con ong làm mật con kiến tha mồi ». Em hát tiếng Việt vẫn ngọng líu lô, y như mẹ hồi nhỏ hát « Tờ tổ tuốt, mào đỏ tươi … ».

Hãy yêu thiên nhiên em nhé, vì nếu em yêu thiên nhiên, em sẽ biết yêu những thứ đơn giản của cuộc sống, em sẽ thấy cuộc sống, thiên nhiên cũng yêu em thật nhiều.

Mẹ yêu em.

Tôi có thể làm gì để bảo vệ môi trường?

Có bao nhiêu người trong chúng ta luôn hô khẩu hiệu phải bảo vệ môi trường, nhưng lại nghĩ bản thân mình không phải là chuyên gia môi trường, không phải là nhà sinh vật học, hóa học, luật sư hay người làm các công việc bảo tồn thiên nhiên etc, hay mình không phải là … chính quyền, nên vì thế nhiều khi coi việc bảo vệ môi trường là việc của người khác chứ không phải của mình, hoặc coi việc mình ý thức được vấn nạn ô nhiễm môi trường đã là đủ.

Trên thực tế, mỗi chúng ta đều có thể làm nhiều việc nhỏ hàng ngày để bảo vệ môi trường.

(Hôm qua 22 tháng 4 là ngày trái đất – nhân dịp này mình viết bài này vừa để chia sẻ với mọi người, vừa để tự răn bản thân. Mình cũng muốn con mình nhìn vào các thói quen của mẹ để học cách bảo vệ, tôn trọng môi trường)

1. Trồng, bảo vệ cây xanh và môi trường tự nhiên

Nếu nhà có vườn:

– Hãy tận dụng đất để trồng cây xanh, hoa, rau. Cây cối càng đa dạng, phong phú thì càng thu hút nhiều loài côn trùng,ong bướm, chim chóc.

– Cố gắng không dùng thuốc hóa học hay phân hóa học, thay vào đó là dùng phân xanh ủ từ vỏ cây trái, đồ ăn thừa để bón cho cây, và dùng các biện pháp sinh học tự nhiên để chống sâu bọ có hại. Mình hoàn toàn theo phương pháp này, vườn mình không hề dùng thuốc trừ sâu hay phân đạm, cho dù rau trái có thể kém to, nhưng sạch hơn và chứa nhiều vitamin hơn đồ trồng kiểu công nghiệp.

Nếu nhà không có vườn, hãy tận dụng ban công, cửa sổ để đặt vài bồn hoa, rau nho nhỏ.

Tiết kiệm giấy, nếu có thể thì chọn đồ nội thất bằng tre chẳng hạn, để góp phần hạn chế phá rừng lấy gỗ

2. Tiết kiệm điện, tiết kiệm nước

– Mình rất là dị ứng khi nhìn nước chảy ồ ồ không cần thiết: đừng vừa chà xà phòng bát đũa, vừa để vòi nước chảy. Lúc đánh mặt cũng chỉ lấy nước đủ vào cốc thôi, hết lại lấy tiếp, không cần vừa đánh răng vừa để nước chảy liên tục etc … Nước rửa rau, vo gạo giữ lại để tưới cây, rau. Nếu có thể thì làm hệ thống giữ nước mưa để tưới vườn.

– Vòi nước hay toilet bị chảy nước thì phải sửa ngay, nhình thấy vài giọt tong tỏng tưởng ít nhưng tính ra cả ngày thì nhiều

– Tiết kiệm điện bằng dùng các kĩ thuật tiên tiến như bóng đèn tiết kiệm năng lượng, rồi chú ý cái gì ko dùng thì tắt đi, nếu có điều kiện thì lắp đặt hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời

3. Tái sử dụng:

Phân loại rác: ở các nước phát triển người ta đều có hệ thống phân loại rác rất cụ thể. Ở Vn hình như chưa có vụ phân loại rác nhưng mình thấy có thể để riêng lon bia chai lọ giấy báo etc cho các chị đồng nát đến lấy, đừng trộn chung với rác thải nhà bếp rồi vứt ra thùng rác công cộng.

Khi mua đồ thì hãy nhìn xem trên vỏ sản phẩm có dấu hiệu thân thiện với môi trường hay không, nếu điều kiện cho phép thì hãy tích cực mua các sản phẩm sản xuất tại địa phương

Đừng chạy theo mốt, theo quảng cáo mà thay đổi liên xoành xoạch các vật dụng điện tử, mua đồ tốt, đồ bền dùng cho hỏng hãy đổi.

Hạn chế dùng túi ni lông, hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm có chứa dầu cọ – vì việc khai thác dầu cọ dẫn đến phá rừng, có tác dụng khủng khiếp ảnh hưởng đến môi trường

4. Tránh lãng phí khi ăn uống

– Nấu ăn vừa đủ, không thừa thãi để khỏi phải đổ đi

– Ăn thịt vừa đủ nhu cầu, nói không với thịt rừng hoang dã,

– Nếu không giúp được gì thì đừng đối xử tàn tệ với loài vật, đừng coi con người là superior hơn các loài động vật khác, con người cũng chỉ là một thành phần của tự nhiên mà thôi

5. Không vứt rác bừa bãi, nếu có thể thì chủ động nhặt rác nơi công cộng, cho dù làm thế mình có thể khác với đám đông xung quanh

Tất nhiên, còn rất nhiều hành động bảo vệ môi trường khác mà ta có thể làm, nên nhớ:

Yêu thương con phải luôn đi kèm với kiên trì rèn luyện con tính tự lập.

Hôm trước mình đọc thấy tâm sự này trên facebook Humans of Newyork (mình rất thích đọc trang này vì nó cho thấy vô vàn khuôn mặt của xã hội, và luôn có một thông điệp rất nhân văn và không khiên cưỡng).

“Tôi muốn trở thành diễn viên và sản xuất kịch. Và vì bố mẹ cho tôi sống ở nhà, tôi thấy kiếm ra ít tiền, hoặc chả kiếm ra đồng nào khi tham gia vào mấy cái vở kịch địa phương không mấy tiếng tăm cũng không phải là tệ lắm. Bố mẹ tôi rất nhiệt tình hỗ trợ con cái. Bởi vì tôi không phải trả tiền thuê nhà, tôi có thể tự do làm việc bán thời gian để có thêm thời gian tập diễn. Và tôi dùng rất nhiều thời gian để tập diễn. Nhưng tôi đã đến những năm cuối của tuổi 20, và dưới nhiều hình thức khác nhau tôi vẫn cảm thấy mình chỉ như một đứa trẻ con. Thật khó khi không gắn liền tuổi trưởng thành với sự tự lập. Tôi có những người bạn đã tiến những bước xa trong nghề nghiệp, có căn hộ riêng và tự xây dựng cuộc sống của họ. Gần đây tôi cũng nghĩ đến việc có một cô bạn gái. Và tôi tự hỏi tại sao người ta lại muốn gắn bó với tôi, khi tôi chả có nhiều thứ để tặng cô ấy, ngoài việc tôi có cha mẹ hỗ trợ rất nhiệt tình. Tôi đang lo là mình đã đi đến điểm dừng. Tôi lo rằng tôi sẽ chỉ dừng lại ở điểm này và tôi sẽ không bao giờ có thể hỗ trợ cha mẹ như họ đã từng hỗ trợ tôi”.

Đây là câu chuyện rất chân thực về tầm quan trọng của việc dạy con tự lập và việc bố mẹ không nên hỗ trợ mọi thứ cho con. Bảo vệ, bao bọc con nhưng không nên thái quá. Nên cho con dần dần phát triển sự lập, tự do trong khuôn khổ.
Theo một số chuyên gia những việc sau đây có thể làm giảm sự tự lập của trẻ :
– Bảo vệ con thái quá
– Lặp đi lặp lại chỉ dẫn (con phải làm thế này, thế kia)
– Muốn trẻ cái gì cũng phải kể cho ba mẹ
– Can thiệp liên tục khi trẻ chơi với nhóm bạn
– Lúc nào cũng có mặt ở các hoạt động ngoại khóa của con
– Không, hay khó cho con làm theo cách của con
– Luôn can thiệp giải quyết các “xung đột” giữa con và các bạn
– Lo lắng liên tục khi con ở xa

Mình luôn cố gắng dạy con tự lập từ lúc nhỏ. Mình làm thế này: tùy vào từng độ tuổi của trẻ, nên lập ra danh sách những việc trẻ có thể tự làm (để đỡ quên và tuân thủ nguyên tắc thì có thể in ra và dán vào tường, đặc biệt khi trẻ đã biết đọc – cái típ này mình học ở mấy cái chương trình super nanny). Ví dụ từ 2,3 tuổi trở lên: tự đánh răng, tự tắm, tự xúc cơm, tự mặc quần áo, tự vứt quần áo bẩn vào máy etc. Từ 5-6 tuổi trở lên: thêm việc như bày bàn ăn, dọn bàn ăn, dọn phòng đại loại thế.

Để bé “chơi mà tự lập, tự lập mà chơi”, ba mẹ có thể lập bảng “sao” ở nhà, khi đạt được một việc thì gắn 1 sao lên bảng cho con. Khi trẻ nhờ mẹ, nếu thấy việc gì trẻ có thể làm được, hãy khuyến khích bằng cách nói “mẹ thấy con có thể tự làm được mà, con thử xem”.

Tất nhiên, nguyên tắc lí thuyết là lí thuyết, còn “nó” có được như ý mình không thì lại là chuyện khác. Ví dụ như nhiều khi vội con cứ lằng nhằng câu giờ không chịu thay quần áo thì mình lại phải ra tay, thỉnh thoảng có món con ko thích thì mình cũng phải đút cho nó vài thìa, hoặc như vụ dọn phòng thì 99% mẹ vẫn dọn, con dọn được 1% còn lại mà mẹ còn hò khản cả giọng, con đánh răng xong mẹ vẫn phải chà lại một tí etc. Thôi cứ  phải kiên nhẫn dạy con dần dần và quan trọng là không được bỏ cuộc.

Photo de Humans of New York.
Humans of New York

“I want to be an actor and produce plays. And because my parents let me live at home, I can afford to make little or no money while I participate in tiny, regional productions. My parents have been so supportive. Because I don’t have to pay rent, it frees me up to work part-time and spend extra time practicing. And I do spend a lot of time practicing. But I’m in my late twenties, and in many ways I still feel like a child. It’s hard to not associate adulthood with self-sufficiency. I have friends who are far enough along in their careers to get their own apartments and build their own lives. Recently I’ve been thinking a lot about finding a girlfriend. And I’m questioning why anyone would want to attach herself to me when I don’t have much to offer besides parents who are very supportive. I guess I’m worried that I’ve hit my peak. I’m afraid that I’ve reached the point where I’ll always be and I’ll never be able to support my parents like they’ve supported me.”

Chia sẻ về việc dạy ngoại ngữ cho con

Nếu như ba mẹ nào có ý định cho con học ngoại ngữ sớm, thì mình xin chia sẻ kinh nghiệm này của mình : hãy cho con học càng sớm càng tốt.

Sớm là sớm thế nào ?

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu, trẻ em sau 7 tuổi học tiếng nước ngoài sẽ tiếp cận thứ tiếng này như một « ngoại ngữ » chứ không còn như là một « ngôn ngữ » (DALGALIAN Gilbert, Enfances plurilingues, L’Harmattan, Paris 2000 ; PETIT Jean, L’immersion une révolution, J. Do Bentziger Ed, Colmar 2001). Tức là nếu trẻ học thêm một ngôn ngữ mới trước 7 tuổi, trẻ sẽ học thứ tiếng này như ngôn ngữ mẹ đẻ.

Vì thế cho trẻ học tiếng càng sớm càng tốt, vì học càng sớm trẻ học càng nhanh và càng dễ dàng.

Tại sao nên cho trẻ học nhiều ngôn ngữ ? Nghiên cứu chỉ ra rằng, đa ngôn ngữ có thể :

– Thúc đẩy khả năng sáng tạo của trẻ

– Thúc đẩy khả năng tập trung (vì trẻ đã làm quen với việc chọn lọc từ ngữ nên có khả năng cao hơn trong việc loại bỏ các yếu tố gây mất tập trung)

– Thúc đẩy khả năng giao tiếp

– Thúc đẩy khả năng toán học

(theo nghiên cứu của Ricciardelli, Lina A., “Creativity and bilingualism”, in: The Journal of Creative Behavior, Vol 26(4), 1992, 242-254).

Trước đây, với phương pháp giáo dục truyền thống, các bậc cha mẹ người gốc nước ngoài thường được khuyên không nói tiếng mẹ đẻ với con, vì sợ ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập của con = tiếng bản xứ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra những lợi ích tuyệt vời của việc nói hơn-một-ngôn-ngữ ở trẻ, vì thế xu hướng chung ở các nước phương Tây bây giờ là khuyến khích trẻ học đa ngôn ngữ, và đặc biệt khuyến khích trẻ nói ngôn ngữ mẹ đẻ, bên cạnh ngôn ngữ học ở trường.

Hơn nữa, trẻ đa ngôn ngữ sẽ có cái nhìn cởi mở hơn đối với các nền văn hóa khác, dễ hòa nhập và thích nghi hơn với thế giới “toàn cầu hóa” hiện nay.

Chắc sẽ có bậc bố mẹ bảo: “Học nhiều thế làm gì, muốn con thành siêu nhân à?”

Không, mình không có ý định biến con mình thành siêu nhân, mà đơn giản là muốn trang bị cho con hành trang tốt nhất cho tương lai. Thúc đẩy khả năng của con, là giúp con đỡ vất vả hơn trong cuộc sống sau này.

Sẽ có người khác bảo: “Mình chả muốn con mình vất vả học tiếng này, tiếng kia, mình muốn con mình có tuổi thơ bình yên và hạnh phúc”.

Không, học một thứ tiếng mới, nếu cha mẹ có phương pháp phù hợp, sẽ giống như như con ăn, ngủ, chơi búp bê hay chạy xe đạp, tức là nó không đòi hỏi con phải vất vả, khổ sở gì. Cha mẹ dạy con, là dành cho con nhiều thời gian hơn, và trẻ sẽ thích thú hơn là chơi một mình.

Nhưng tất nhiên, nó sẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian của cha mẹ.

Học thế nào?

1. Xem khả năng ngôn ngữ của con để chọn thời điểm học ngôn ngữ mới một cách tốt nhất

Có bé phát triển ngôn ngữ sớm, có năng khiếu ngoại ngữ, có bé thì nói muộn, và ít năng khiếu hơn.

Bé Lily, bạn của con mình, nói sớm và có năng khiếu. Bé đi nhà trẻ và các cô, các bạn nói tiếng Pháp, ở nhà thì bố mẹ nói tiếng Việt và tiếng Anh. Giờ bé hơn 2 tuổi, nói và hiểu cả tiếng Anh, Pháp, Việt, tiếng Việt hơi nhỉnh hơn một chút.

Bé nhà mình, nói muộn, phát triển khả năng vận động trước khả năng ngôn ngữ, thích vận động nên hơi thiếu tập trung vào các trò đòi hỏi tư duy và kiên nhẫn. Khi bé nhà mình 2 tuổi, đếm rộng rãi thì bé nói được khoảng … 10 từ, thế thôi. Ở nhà thì mẹ nói tiếng Việt, bố nói tiếng Pháp với bé. Khi nào đi ra ngoài chơi có các bạn khác thì mẹ nói tiếng Pháp với con cho nó lịch sự. Bé nhà mình không đi nhà trẻ, đến lúc bé vào mẫu giáo (lúc 2,5 tuổi) thì cô bảo là nhiều lúc cô không hiểu bé nói gì (vì ngọng và ít vốn từ, câu cú thường chưa đúng ngũ pháp), vì thế mình chuyển sang chỉ nói tiếng P với con trong một thời gian ngắn (chắc chừng 2 tháng). Đến khi bé có thể giao tiếp khá ok = tiếng P thì mẹ lại tiếp tục nói tiếng V với con. Từ khoảng gần 3 tháng gần đây mình bắt đầu cho con tiếp xúc với tiếng Anh.

Giờ thì bạn ý hơn 3 tuổi một chút, nói tiếng Pháp khá ok, tiếng Việt hiểu tốt, nhưng nói ít hơn tiếng P, thỉnh thoảng mẹ nói tiếng V thì trả lời = tiếng P và mẹ phải nhắc thì mới trả lời = tiếng Việt. Từ vựng biết cũng ít hơn tiếng P. Tiếng Anh thì bạn ấy hiểu và nói được những câu hỏi đơn giản như cái gì đây, ở đâu, muốn .. không, và biết một số từ vựng chỉ động vật, bộ phận cơ thể, biết một số tính từ.

Từ việc quan sát hai bạn trên, mình cho là nếu bé có năng khiếu ngôn ngữ (biểu hiện là nói sớm, có khả năng tập trung, vốn từ nhiều từ khi còn nhỏ) thì có thể dạy bé song song các ngôn ngữ khác nhau. Còn bé nào chậm nói, tập trung kém (vị bận chạy nhảy) như bé nhà mình thì có thể ưu tiên ngôn ngữ chính hơn một chút (để giúp bé không gặp nhiều khó khăn khi đến nhà trẻ, mẫu giáo hoặc chơi với bạn bè). Khi nào ngôn ngữ chính đã tạm tạm ổn, thì hãy giới thiệu một ngôn ngữ khác cho bé.

2. Học mà chơi, chơi mà học

Phương pháp của mình trong việc dạy bé tiếng Anh (phương pháp áp dụng để bé làm quen với tiếng Anh, khi nào bé tạm vững vững thì thay đổi phương pháp phù hợp hơn):

· Bước 1. Nghe 1 bài hát tiếng Anh/đọc 1 quyển sách tiếng A (dành cho trẻ e, chữ ít hình nhiều):

Mình thường cho con nghe các bài hát tiếng Anh dành cho trẻ em trên Youtube, nói chung là nhiều vô số kể. Tuy nhiên, trên đó thượng vàng hạ cám cũng nhiều, có những bài chuyển thể sang nhạc dậm dựt, hình ảnh xấu xí, không tự nhiên, mình không bao giờ cho xem những bài như thế. Một số kênh mình thấy rõ lời, hình ảnh tự nhiên, đẹp là Super simple songs, Dave and Eva và The mother goose club

Sau khi chọn được bài hát/sách phù hợp, mình cho con xem vài lần để con quen thuộc với hình ảnh, 1 – 2 lần/ngày trong vòng khoảng 1 tuần.

Đối với bài hát thì sau đó mình chỉ cho nghe (tắt màn hình), xem lúc mẹ thực sự bận thôi.

· Bước 2. Cùng hát và chơi với con

Trong bước này, mình bật nhạc và hai mẹ con cùng hát theo, làm cử chỉ điệu bộ theo như bài hát. Lúc nào rảnh thì làm, bé rất thích chơi trò này đấy.

· Bước 3. Thực hành từ vựng:

Mình tìm “tài liệu” ( lyrics poster, flashcard, worksheet, coloring page) theo chủ đề bài hát/truyện, sau đó thì in 2 bộ, một bộ thì dán lên tường cho con nhìn thấy thường xuyên hình ảnh + từ viết, một bộ thì đóng lại thành sách chủ đề.

(flashcards, worksheets, coloring pages có thể down và in ra từ

http://supersimplelearning.com/resource-center/

http://www.kids-pages.com/index.htm

http://www.schoolexpress.com/fws/cat.php?id=2895

mình thấy mấy trang này ok, nhất là trang supersimplelearning thì rất là tuyệt, vì có tài liệu theo bài hát.

Với bộ tránh dán trên tường mình thực hành từ vựng với con bằng cách hỏi con về các bức tranh: cái gì đây, ở đâu, con này kêu thế nào, con nào kêu thế này etc

Sau một thời gian thì thay tranh dán trên tường, chỉ học theo sách chủ đề (thỉnh thoảng lôi ra ôn lại với con)

Sau đó thì mình thực hành tiếng A với con mọi lúc mọi nơi có thể. Vì bạn ấy cần phải học cả tiếng V nữa nên mình giao tiếp chính với con = tiếng V, tiếng A mình thỉnh thoảng nói với con để bạn ấy quen và không quên những từ vựng đã học. Chủ yếu nhất là hai mẹ con hát suốt ngày, hát trên đường đi học, trên đường đi chơi, trong ô tô, trong lúc chơi ngoài sân, hát suốt.

Để học hiệu quả, mình thấy thế này:

– Mẹ không đặt yêu cầu về kết quả, bé quên thì nhắc lại, bé không thích thì không ép, tuân thủ nguyên tắc vừa chơi vừa học

– Không gặng hỏi bé, không bắt bé phải trả lời

– Nói thường xuyên với bé những câu = tiếng Anh mà ko cần bé phải trả lời: các câu mệnh lệnh hay câu hỏi như put on your shoes, which one do you like more? (bé thích gì thì chỉ nấy), let’s go outside etc

– Hát hò thường xuyên với con các bài hát tiếng A

Ví dụ: mình đang cho bé học các từ chỉ sự đối lập, mình chọn bài hát sau

Open Shut Them (And Other Opposites) 

♫ Open shut them, open shut them. [Open and shut your hands.]

Give a little clap, clap, clap. [Clap.]

Open shut them, open shut them.

Put them in your lap, lap, lap. [Pat your legs.]

Big and small.

Big and small. Big and small. [Spread your hands out wide, and then put them close together.]

Big, big, big, big, small, small, small.

Big and small. Big and small.

Big, big, big, big, small, small, small.

Please. No, thank you.

Please. No, thank you. Please. No, thank you.[Clasp your hands under your chin as if asking for something, then shake your head and wave your hand in front of your face as if saying, “No, thank you.”]

Please, please, please, please. No thank you.

Please. No, thank you. Please. No, thank you.

Please, please, please, please. No thank you.

Fast and slow.

Fast and slow. Fast and slow. [Move your hands round and round quickly, and then slowly.]

Fast, fast, fast, fast, slow, slow, slow.

Fast and slow. Fast and slow.

Fast, fast, fast, fast, slow, slow, slow.

Loud and quiet.

Loud and quiet. Loud and quiet. [Cup your hands around your mouth and shout, and then put your finger in front of your mouth like you are saying, “Shh.”]

Loud, loud, loud, loud. Shh… Quiet.

Loud and quiet. Loud and quiet.

Loud, loud, loud, loud. Shh… Quiet.

Peek-a-boo.

Peek-a-boo. Peek-a-boo. [Place your hands in front of your face and then quickly move them away as you say, “Boo!”]

Peek-a, peek-a, peek-a-boo!

Link bài hát trên youtube:

https://www.youtube.com/watch?v=RNUZBHlRH4Y

Tài liệu:

http://supersimplelearning.com/reso…

http://supersimplelearning.com/resource-center/open-shut-them-and-other-opposites-flashcards/

http://supersimplelearning.com/song…

http://www.kids-pages.com/folders/f…

Đảm bảo các ba mẹ sẽ ngạc nhiên vì bé sẽ thích và học rất nhanh đấy.

Chia sẻ về việc phòng chống bệnh ung thư

Đầu năm 2003, cô Penelope Dingle, ở thành phố Perth, Úc, phát hiện mình bị bệnh ung thư trực tràng. Các bác sĩ đánh giá cao khả năng chữa trị bệnh của cô bằng phương pháp phẫu thuật cắt khối u và sau đó là hóa trị để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, cô từ chối theo phương pháp của khoa học tiên tiến, và quyết định trị bệnh của mình bằng phương pháp vi lượng đồng căn (homeopathy – muốn tìm hiểu thì hỏi anh Gúc) và phương pháp chế độ dinh dưỡng.

Nhật kí của cô có ghi rằng cô coi cuộc chiến chống căn bệnh ung thư như cơ hội để khẳng định niềm tin của cô vào các phương pháp điều trị không chính thống (tức là điều trị không theo y học tiên tiến).

Cô quyết định theo phương pháp riêng cùng với một chuyên gia vi lượng đồng căn Scrayen và với chồng, ông Peter Dingle, là một tiến sĩ chuyên gia về dinh dưỡng và chế độ dinh dưỡng. Hai người này đã khuyên cô không phẫu thuật và hóa trị vì cách này có thể xung đột với phương pháp điều trị riêng của họ. Tháng 10, 2003, cô không chịu nổi đau đớn và phải cấp cứu. Tại đây, bác sĩ thông báo là khối u của cô đã quá lớn và không thể phẫu thuật nữa. Cô mất năm 2005.

Mấy người chị của cô kiện vị chuyên gia vi lượng đồng căn và chồng của cô ra tòa. Sau khi kiểm chứng các chứng cớ, tòa kết luận là hai người này đã có tác động lớn đến quyết định không điều trị theo y học tiên tiến của cô Penelope, và chuyên gia vi lượng đồng căn kia không có đủ năng lực để điều trị bệnh ung thư của nạn nhân.

(báo cáo của tòa: http://www.homeowatch.org/news/dingle_finding.pdf )

Thật đáng tiếc vì nếu như cô theo phương pháp điều trị của bệnh viện tư vấn như từ đầu, thì rất có thể cô đã có thể vượt qua căn bệnh này.

Tại sao mình lại post câu chuyện này?
Không mình không học y, mình không phải là chuyên gia này kia!
Không, nó không liên quan gì đến anh Trần Lập cả!

Chỉ là vì thế này, mấy ngày gần đây mình đọc rất nhiều bài mọi người viết, share về căn bệnh ung thư và cách phòng chống, chữa trị. Có cả những bài nói về các phương pháp chữa bệnh ung thư riêng của người này, bs, chuyên gia kia, bà lang này, ông lang kia, những phương pháp mà chưa được khoa học kiểm chứng, nhưng theo như nhiều người là đặc biệt hiệu quả, chữa khỏi hoàn toàn.

Mình hiểu nhiều người share này có ý rất tốt, nhưng mình nghĩ nên rất thận trọng khi đưa những thông tin như thế này. Những phương pháp chưa kiểm chứng, chữa chủ yếu bằng niềm tin, chỉ nên nằm ở vị trí phương pháp bổ sung.

Hơn nữa, uống thuốc không đăng kí, không biết thành phần thuốc, chỉ với một niềm tin vào người đưa thuốc, là rất nguy hiểm.

Nếu đã quyết tâm đánh bại bệnh, mình cho là nhất quyết không nên tin vào lời khuyên của ai đó là theo ông này, bà kia chữa trị bằng phương pháp riêng của họ, mà bỏ các phương pháp điều trị của y học phương Tây. Ít nhất những phương pháp này đã có khoa học kiểm chứng.

Nếu muốn theo các phương pháp riêng, hãy dùng nó như một phương pháp kèm theo, còn lại nên nghe lời khuyên của bác sĩ chuyên gia về ung thư, được đào tạo bài bản.

Nguyên nhân của ung thư không ai biết rõ là gì, nhưng theo nghiên cứu thì có hai yếu tố cơ bản gây ung thư là di truyền và môi trường sống (ăn uống, hít thở).

Để phòng bệnh thì
– Nếu trong gia đình có tiền sử bệnh, nên thông báo với bs và xin tư vấn, nếu cần kiểm tra và can thiệp sớm (như cô A. Jolie í)
– Ăn uống đa dạng, nhiều rau xanh, hoa quả, vừa đủ tinh bột và protein thôi. Có những loại thực phẩm đặc biệt tốt cho sức khỏe thì nên ưu tiên hơn một chút (mình chia sẻ sau). Những thực phẩm khuyến cáo không nên ăn thì nếu có thể bỏ nên bỏ luôn, nếu không được thì thật hạn chế
– Không hút thuốc, uống rượu vừa phải thôi, người nào hút thuốc thì tránh xa, bản thân ai hút thì tránh người khác ra, đặc biệt là trẻ nhỏ.
– Chú ý chọn thực phẩm sạch một tí, ăn ngoài đường thì ngon nhưng nhiều khi mất vệ sinh và nhiều mầm bệnh
– Tập thể thao và tập thể thao
– Và cái quan trọng nhất là tinh thần vui vẻ, lạc quan. Nói thật chứ đời có là bao mà cứ bon chen, ghen ghét nhau làm gì. Ôm cục tức, là ôm cục bệnh, vì thế suy nghĩ, (và suy diễn hehe) ít thôi. Người khác nói xấu làm mình tức ư, bỏ ngoài tai đi chứ mình ôm cục tức là ôm cục bệnh. Mẹ chồng/vợ tai quái ư (đùa thôi), cứ giả mù giả điếc đi, chứ ôm cục tức trong lòng những người ghét mình họ lại mừng.
– Chú ý đi khám sức khỏe định kì, nếu có biểu hiện gì xấu đi khám ngay. Phát hiện bệnh càng sớm khả năng chữa trị càng cao.

Còn lại nếu như chẳng may trời nhằm trúng mình, thì chiến đấu thôi, sợ quái gì. Thỉnh thoảng mình lại đọc thấy một tin vui về thành tựu y học trong điều trị ung thư, mà càng ngày càng có nhiều trường hợp khỏi bệnh, thế nên cái quan trọng là giữ tinh thần lạc quan và quyết tâm đánh bại nó, đúng không?

Phim hay nên xem: Le Jour des Corneilles (Ngày của lũ quạ)

Mình vừa đọc báo thấy tin này:

http://thanhnien.vn/van-hoa/trinh-chieu-nhieu-bo-phim-xuat-sac-cua-cong-dong-phap-ngu-682434.html

Liên hoan phim Pháp ngữ 2016 giới thiệu tới công chúng những bộ phim xuất sắc của các nền điện ảnh trong cộng đồng Pháp ngữ: Canada, Ai Cập, Thụy Sĩ, Bỉ, Pháp và VN.

Liên hoan diễn ra từ nay đến ngày 28.3 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Rạp Cinémathèque (22A Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Các bộ phim đa dạng về đề tài, thể loại, dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Chẳng hạn, bộ phim Belle và Sebastien: Tình bạn bất diệt (đạo diễn: Nicolas Vanier) được lựa chọn trình chiếu tại Liên hoan phim Pháp Richmond (Mỹ) vào năm 2015, phù hợp với khán giả nhỏ tuổi. Phim được chuyển thể từ loạt phim truyền hình thiếu nhi nổi tiếng của Pháp kể về tình bạn giữa cậu bé mồ côi mẹ kết bạn một chú chó hoang. Các khán giả nhí còn có thêm sự lựa chọn khác là bộ phim hoạt hình Ngày quạ đen (đạo diễn: Jean-Christophe Dessaint). Bộ phim đã nhận được đề cử tại Liên hoan phim Hoạt hình quốc tế Annecy, kể về cậu bé người rừng Fils Courge bước chân ra thế giới văn minh đầy mới lạ.

Mới nhớ ra là mình từng viết bài trên facebook về phim Ngày quạ đen (mà mình dịch là Ngày của lũ quạ), nên vác sang đây chia sẻ với cộng đồng blog.

 jour_corneilles

Tối qua mình và con gái nằm ôm nhau xem phim Le Jour des Corneilles (Ngày của lũ quạ). Thấy phim khá hay nên muốn giới thiệu với các mẹ có con nhỏ. Nhân tiện giới thiệu luôn một số phim khác mà mình đánh giá cao.

Phim Le Jour des Corneilles là phim Pháp hợp tác với Bỉ và Canada, nhưng lúc đầu mình cứ đinh ninh là phim Nhật, vì phong cách quá giống những phim của Hayao Miyazaki ( https://fr.wikipedia.org/wiki/Hayao…).

Những loại phim theo kiểu Hayao Miyazaki : về nghệ thuật, mình luôn thích những gì hơi quái quái một chút, vì nó gợi được những cảm xúc « bất thường » trong bản thân. Vì thế mình rất thích phim của Hayao Miyazaki.

Ai đã xem Spirited away (Le voyage de Chihiro), Princess Mononoké, My neighbor Toroto (Mon voisin Toroto), Ponyo (Ponyo sur la falaise) etc, phim của studio Ghibli thì chỉ có hai lựa chọn : một là rất thích, hai là ghét. Mình thì mê mẩn cái thế giới nửa trần tục, nửa ma mị, huyền bí mà ông đã xây dựng trong các bộ phim này. Những bộ phim này vẫn làm theo phong cách hoạt hình cổ điển chứ không kiểu kĩ thuật số như phần nhiều các phim hoạt hình Mỹ gần đây. Tuy nhiên, những bộ phim này có những hình ảnh tuyệt đẹp, hùng vĩ, nên thơ những câu truyện đầy tính triết lí, những nhân vật vừa hoang dại vừa kì bí, kì quái của văn hóa Nhật.

Nói thế nào nhỉ, xem những phim này cần phải vừa có đủ sự nhạy cảm để thấy trong cái xấu có cái đẹp, vừa có đủ sự « cởi mở » để chấp nhận những chi tiết nhiều khi rất bạo lực, và ám ảnh. Đặc điểm chung của các phim này là sự cường điệu hóa diện mạo, tính cách các nhân vật một cách rất tinh tế, xem cứ thấy quái gở mà không dứt ra được. Nói chung là cay, mặn, đắng, chứ không thể nhạt được.

Quay lại phim Le jour des Corneilles, phim kể về một chú bé suýt bị cha bỏ rơi sau khi mẹ chết, được cha nuôi dạy một mình trong rừng, cách xa thế giới bên ngoài. Chỉ khi cha bị ốm, cậu bé mới dám đưa cha đến một khu làng ngoài rừng để chữa trị. Khám phá ra « tình yêu » ở thế giới loài người, cậu muốn giúp cha tìm lại « tình yêu » đã mất …

Phim ấn tượng với sự ngây thơ của con trẻ, sự hoang dã của thiên nhiên, sự ám ảnh của cái chết, sự xấu xí, nhẫn tâm của một số người, sự nhân văn của một số người khác … Hình ảnh phim, cách tạo hình nhân vật thì đặc biệt ảnh hưởng bởi phong cách của Hayao Miyazaki : nhân vật trông quái quái, xấu xí, chứ không mắt to tròn, mũi thẳng, môi trái tim như hoạt hình Mỹ nhưng người xem lại thấy một vẻ đẹp trong trẻo. Mình cũng đặc biệt thích cách đạo diễn xây dựng hình ảnh những linh hồn của người chết : thân người, nhưng đầu là vật : mèo, ngựa, linh dương, ếch. Nhìn quái gở, buồn nhưng không thảm, mà lại thấy sự bình yên, tĩnh lặng của những linh hồn chết.

Mình đặc biệt muốn giới thiệu phim này cho các bé khoảng 7,8 tuổi trở lên. Những phim như phim này, cũng như các phim Nhật mình nói ở trên và phim hoạt hình của Tim Burton (một đạo diễn mình rất thích )như Corpse Bride, The Nightmare Before Christmas mình thấy rất tốt cho cho các bé. Ngoài vẻ đẹp thẩm mỹ của phim, bé có thể học để yêu sự đa dạng của thế giới, sự phong phú của khái niệm « đẹp », sự đa nghĩa của chữ « tình yêu ». Để các bé thấy Barbie mới thực sự vô hồn và nhạt nhẽo làm sao.

Phim này dành cho trẻ từ 8 tuổi trở lên, nhưng hôm qua mình cho Mira xem cùng và cô nàng nằm im xem cùng mẹ đến hết phim.

Để bé thích đọc sách …

Ai cũng biết, đọc sách là một hoạt động vô cùng hữu ích cho bé. Ba mẹ chăm đọc sách cho bé nghe, bé sẽ có vốn từ giàu có, sinh động hơn, có trí tưởng tượng phong phú hơn, khả năng cảm nhận và khả năng diễn đạt tốt hơn và « biết » nhiều hơn.

Mình là một con mọt sách, hồi trước đọc rất nhiều (giờ ít hơn rất nhiều vì chả có thời gian). Một trong những điều kì diệu nhất của nước Pháp, đối với mình, đó là thư viện. Thành phố nào cũng có ít nhất một thư viện. Trên là trời, dưới là sách, là CD, là DVD. Ngoài ra cửa hàng sách, chợ sách cũ cũng có khắp nơi, chỉ sợ không có sức đọc. Khi chuyển đến G, ngoại ô Paris, bọn mình may mắn tìm được một ngôi nhà ở ngay gần 2 thư viện thành phố, không phải 1, mà là 2 thư viện to đùng. Từ nhà ra thư viện mất chỉ có vài phút đi bộ, và nhà mình giờ không còn xa lạ gì nữa với các bạn thủ thư ở đây.

Bé nhà mình từ nhỏ được mẹ đưa đi thư viện. Tuy nhiên, trái với mong đợi của mẹ, bé lúc đầu không thích sách cho lắm. Đến thư viện thì chạy hết góc nọ đến góc kia, mặc mẹ năn nỉ ngồi để mẹ đọc sách cho nghe. Bé nhà mình phát triển vận động trước mà, nên cái gì cần sự tập trung bé rất là … kém. Nhiều khi mẹ rất xấu hổ với các cô thư viện, vì bé cứ leo trèo nhảy nhót suốt, trong khi nhiều bé khác cùng tuổi đã biết ngồi yên nghe đọc sách. Thậm chí bé còn được các cô trêu là « vận động viên điền kinh », vì đọc sách thì ít, mà chạy đi chạy lại thì nhiều. Đọc xong 1 quyển mất 5’ thì bé phải mất 10’ vận động để thư dãn đầu óc, hic. May cái là các cô ở đây siêu đáng yêu, các cô không khó chịu hay chê trách gì bé cả.

Vì mẹ cố gắng luyện nên bạn ấy mới chỉ bắt đầu quan tâm đến sách từ khoảng gần 1 năm nay (giờ bé 3 tuổi). Từ khoảng vài tháng gần đây thì bạn ấy thực sự thích sách, và có thói quen trước khi đi ngủ là đọc sách, nhiều khi không chỉ 1 quyển, mà 2, 3, 4, 5 quyển, hết quyển này thì lại chạy đi lấy quyển khác, làm mẹ hết cả hơi.

Để bé thích sách, ba mẹ có thể làm những việc sau:

· Đưa bé đi thư viện thường xuyên (bé nhà mình tuần khoảng 2 lần đi thư viện, từ 1-2 tiếng). Ở thư viện gần nhà mình có góc đọc sách dành cho trẻ rất thoải mái và đáng yêu. Có lần thì mình đọc cho bé thì bé khác ghé lại nghe, có lần mẹ bạn khác đọc thì bé nhà mình ghé vào nghe, không khí rất vui vẻ, dễ chịu.

· Cho bé tự chọn sách bé muốn đọc, như thế mẹ cũng biết gu sách của con

· Tạo cho bé thói quen đọc sách trước khi đi ngủ: không khí yên tĩnh, câu chuyện đáng yêu sẽ giúp bé ngủ ngon hơn

· Làm cho con một góc đọc sách, có thể mua cho con một chiếc ghế mềm và một giá sách nhỏ để vào một góc nhà phù hợp.

· Khi ba mẹ đọc sách cho bé, tùy theo sách mà chọn cách đọc, những quyển sách hài hước, nên cường điệu hóa ngữ điệu lên một chút, kiểu như đóng kịch, cho bé thấy sách hấp dẫn hơn, còn những quyển không khí nhẹ nhàng, đầm ấm thì giọng cũng nhẹ nhàng hơn (có thể các mẹ thấy lố bịch nhưng mình chả ngại đâu, ra ngoài thư viện mình cũng đọc cho con như thế).

· Lập nhóm đọc sách cùng con: nếu như con không có điều kiện đi thư viện thì có thể lập nhóm đọc sách, các mẹ chọn sách và đọc cho các con nghe, minh hoa sinh động một chút cho các bé hào hứng

Nhân tiện đây mình giới thiệu một hoạt động mình rất yêu thích ở thư viện bên Pháp, đó là chương trình đọc sách cho các bé (từ nhỏ cho đến khoảng 5 tuổi) do các cô ở thư viện làm (“Les racontines”).

(photo: chương trình Les Racontines, thư viện François Rabelais, tp Gennevilliers, ảnh được phép của các cô)

Thường thì có hai cô, đọc vài quyển sách theo chủ đề. Các cô đọc sách sẽ có âm nhạc, nhạc cụ để hỗ trợ. Thường thì đọc xong một truyện thì sẽ cùng nghe một bài hát, các cô sẽ có các hành động, cử chỉ minh họa truyện hoặc bài hát. Bé nào thích thì sẽ vừa nghe vừa bắt chước. Thực ra làm chương trình này rất dễ, chỉ cần có giọng hay hay, có khả năng cảm thụ âm nhạc và yêu trẻ con là làm được. Mình và bé nhà mình rất thích đi xem, hầu như chả bỏ buổi nào cả.

· Mượn sách phù hợp với lứa tuổi của bé: Mình nghĩ tầm 3,4 tuổi thì nên cho bé đọc sách thật đơn giản, hình minh họa nhiều, nội dung ngắn gọn thôi. Sách bé nhà mình nội dung kiểu như thế này: bạn sâu ăn thật nhiều thứ (1 quả táo, 2 quả lê, ….10 cái lá) và biến thành bướm, thế là hết truyện, nhưng hình minh hoa rất đáng yêu và dạy trẻ tập đếm luôn, hoặc bạn vịt có đôi bốt đỏ bạn ấy rất thích (ăn cũng đi bốt, ngủ cũng đi bốt, chơi gì cũng đi bốt etc) nhưng một bạn khác thích thế là bạn ấy cho mượn .. 1 cái, mỗi người đi một cái. Mình rất thích sách dành cho trẻ em bên này, dự kiến sau này rảnh rỗi mình sẽ tập viết sách và minh họa sách cho các bé. Khi bé lớn hơn chút, chừng 5,6 tuổi hãy cho bé đọc sách có cốt truyện hẳn hoi như công chúa, hoàng tử, truyện cổ tích. Đối với các bé lớn lớn biết đọc tốt rồi, mình nghĩ nên hạn chế truyện tranh, bố mẹ nên chọn sách có nội dung phù hợp, cách hành văn đẹp đẽ để bé trau luyện vốn từ ngữ, khả năng diễn đạt. Truyện tranh chỉ để giải trí, không nên lạm dụng (mình nói thế cho dù mình đến giờ vẫn mê đọc truyện tranh nhé).

Sách bé nhà mình đọc đây

Ngoài ra,

Khi đọc sách cho bé, mẹ nên làm những việc sau để giúp bé hiểu câu chuyện dễ hơn, đồng thời rèn luyện trí nhớ của bé:

· Trước khi đọc sách, hãy cùng bé bàn luận về tên quyển sách: “Truyện này kể về ai con nhỉ?”, “ Truyện này có giống truyện abc (bé đã đọc) không hả con?” đại loại thế, để khơi gợi sự tò mò và tưởng tượng của bé.

· Sau khi đọc, bàn nội dung chuyện, mẹ có thể hỏi bé các câu hỏi về nội dung vừa đọc, thông điệp truyền tải để giúp bé hiểu rõ hơn. Nếu bé hào hứng, có thể khuyến khích bé tưởng tượng tiếp nội dung câu chuyện, như “Thế con nghĩ bạn gấu sau đó sẽ đi đâu?”, “Thế con nghĩ sau khi biến thành bướm thì bạn bướm đó sẽ làm gì?” etc.

· Khi đọc sách, chú ý đến những từ ngữ, chi tiết liên quan đến cảm xúc, ví dụ như trong truyện có bạn gấu buồn, thì mẹ có thể hỏi con là “bạn ấy buồn thì mình làm gì nhỉ, ôm bạn ấy một cái nhé?”. Điều này quan trọng với các bé còn nhỏ tuổi vì các bé đang ở tuổi học hiểu cảm xúc và chế ngự cảm xúc của bản thân.

· Giúp con liên hệ từ sách đến cuộc sống hàng ngày, ví dụ như truyện về đánh răng thì hỏi xem con có đánh răng giống bạn trong truyện ko.

· Chơi trò kiểm tra trí nhớ với con: hai mẹ con có thể thay phiên nhau liệt kê trình tự của câu chuyện xem ai nhớ tốt hơn.

· Sau đó, thỉnh thoảng ba mẹ nên hỏi con ngẫu nhiên về một chi tiết trong câu chuyện xem con có nhớ không. Điều này giúp con luyện trí nhớ hình ảnh (eidetic memory).

Về nguồn sách thì ngoài sách thư viện, sách ba mẹ tự mua cũng có một số nguồn sách free trên mạng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, mẹ thiếu sách hoặc muốn đọc sách tiếng nước ngoài cho con thì có thể down về và in ra.

Mẹ ơi, em muốn là em bé ngoan!

(Thực ra những gì mình viết ở đây chắc mẹ nào cũng biết cả rồi, thành ra mình nghĩ viết ra có khi chỉ mất thời gian. Nhưng thôi đã viết về việc dạy con thì viết cho đầy đủ, nên mình lại có thêm một bài dài thòng này nữa)


Trong lớp của con mình có một bạn trai hơi « đặc biệt » một chút. Thế nào nhỉ ? Mình không thích nói là bạn ấy « hư » nhưng rõ là bạn ấy không được ngoan cho lắm. Bạn ấy thường không nghe lời cô, hay đẩy, đánh và chọc phá các bạn khác. Thỉnh thoảng bạn ấy bị cho xuống phòng hiệu trưởng vì cô không quản nổi.

Mỗi lần mình thấy cô nói với mẹ bạn là hôm nay bạn ấy không ngoan, mình thấy mẹ bạn ấy vừa buồn, vừa sượng sùng. Thế nhưng mỗi lần như thế mình thấy thương mẹ bạn ấy thì ít, mà thương bạn ấy thì nhiều.

Từ hồi con mình chưa đi học mẫu giáo, mình đã nhiều lần gặp mẹ con bạn í ở công viên gần nhà. Bạn ấy từ hồi đó đến giờ, tất nhiên, chả thay đổi tí gì cả. Bạn ấy giật đồ chơi của người khác một cách tự nhiên, bạn ấy ném đất lên các bạn khác, và bạn ấy nhổ nước bọt, hic. Mẹ bạn ấy không bao giờ can thiệp cả. Mẹ bạn ấy còn bận nói chuyện, bận điện thoại, nói chung là bận lắm nên kệ cho con làm gì thì làm. Hôm nào bạn ấy hư quá đáng (như phì hết bánh sô cô la lên mặt bé nhà mình) thì mẹ bạn ấy lao đến và gào lên « Mẹ đã bảo là không được làm thế cơ mà » và giật một phát lôi bạn ấy ra chỗ khác, cũng chả thấy bảo con xin lỗi gì cả.

Sau vụ bánh sô cô la thì mình hãi đến mức không bao giờ đến cái sân đó nữa, thế nào mà đến khi vào học thì bạn ấy với bạn nhà mình vào chung một lớp (bạn ấy hơn con mình gần 1 tuổi). Và mình cũng không ngạc nhiên khi bạn ấy chả thay đổi gì mấy. Mẹ bạn ấy thì rõ là khổ sở với con. Nhiều lần mình thấy hai mẹ con rượt nhau trong trường, quát nhau trong toi-lét. Mình thấy bạn ấy thật đáng thương, vì hay bị phạt, vì các bạn khác không thích chơi cùng, bạn ấy hay khóc nữa. Một vài lần mình can thiệp (như bạn lăn ra đất không chịu theo mẹ về, thì mình ra nhẹ nhàng bảo đưa tay cô cầm nhé, mình vừa đi vừa đếm xem nào, thế là bạn ấy ngoan ngoãn đứng theo mình xuống), thì mình thấy là bạn ấy thích nghe lời người khác hơn nghe mẹ bạn ý.

Các bé không được rèn, uốn nắn theo kỉ luật từ nhỏ chỉ vì bố mẹ chiều và làm theo ý, thì chính bản thân các bé lại rất thiệt thòi và không vui vẻ hạnh phúc gì. Để bé vui vẻ, hạnh phúc, mẹ đừng để bé làm gì thì làm. Trẻ con được chiều quá, không kỉ luật, chính ra lại rất dễ hoang mang, sợ hãi và mất tự tin vào bản thân.

Để em là em bé ngoan :

Đối với mình, nguyên tắc quan trọng nhất trong giáo dục con thành một em bé ngoan là bố mẹ phải kiên nhẫn và luôn để ý đến hành vi của con. Khi con chơi với bạn, con đẩy bạn ư, nhắc ngay. Con tranh chỗ của bạn ngoài sân chơi, nhắc ngay. Con tranh đồ chơi ư, cũng phải nhắc ngay. Cứ theo sát nhắc nhở con như thế thì con mới hiểu và biết giới hạn cái gì được làm và không được làm.

Nhưng mà nói thì dễ lắm, làm mới khó, đúng không ? Nhiều khi nói mãi, con vẫn không chịu nghe thì sao ? Mình thấy muốn dạy con hiệu quả thì ba mẹ nên :

· Luôn giải thích cho con lí do tại sao, và giải thích một cách ngắn gọn, dễ hiểu, nói rõ từng từ một. Ví dụ như : « Con không được đánh bạn, đánh bạn là hư », « Con không được đẩy bạn, vì như thế bạn sẽ ngã đau », « Đồ chơi này của bạn, vì thế con không được giật », « nếu con làm vỡ cái cốc này thì mảnh vỡ sẽ làm con đau đấy », « bây giờ con không được ăn kẹo vì sáng nay con đã ăn rồi » (Bé nhà mình có tiêu chuẩn ăn kẹo 1 cái/ngày mà) etc đại loại thế.

· Khi con mắc lỗi, ngồi xuống ngang tầm con, đề nghị con nhìn vào mắt mẹ và mẹ nhắc lại quy định « không được » rồi bắt con khoanh tay xin lỗi. Nếu con mắc lỗi với bạn thì dắt con đến yêu cầu con xin lỗi bạn. Nếu con nhất quyết không hợp tác thì nên có hình thức phạt nhẹ (như đứng góc 2’).

· Khi con mắc lỗi nghiêm trọng : lỗi nghiêm trọng là 1) lỗi liên quan đến an toàn của bản thân con và bản thân người khác và 2) khi bé đã khá lớn, lỗi nhất quyết không nghe lời. Vụ này thì mình phạt con = cách nhốt vào phòng (chú ý phòng phải thật an toàn) và đóng cửa lại. Thường chỉ 1’ bé khóc lóc là mẹ mở cửa, bắt bé khoanh tay lại, mẹ giải thích lại một lần nữa lí do phạt và hỏi con có hiểu không. Nếu bé hối lỗi thì ôm bé và nói thương bé và chơi với bé. Mình phạt con kiểu này lần đầu tiên khi con hơn 2 tuổi một chút, lí do là ra đường cứ chạy nhoắng lên không nghe lời mẹ và không chịu cầm tay mẹ khi đi qua đường. Mình bỏ hết mọi việc về nhà phạt con. Lần phạt gần đây cách đây chừng 2,3 tháng là do cô thông báo là 3 ngày liền ở lớp không chịu nghe lời cô (bé nhà mình là bé gái nhưng rất hiếu động và khá cá tính). Về nhà mẹ ngồi nói chuyện, giải thích rõ ràng rồi, xong hỏi thế đến trường con có nghe cô không bé nhất quyết vẫn nói không nghe cô. Thế là bị phạt nhốt vào phòng. Khóc lóc, xin lỗi mẹ rối rít. Sau lần đó cô bảo bé lại ngoan cứ cún ở trường hihi. Nói thêm về vụ bé không chịu nghe cô : bé nhà mình rất thích trường và rất yêu cô, tự dưng thích nổi loạn thế thôi. Thỉnh thoảng trẻ con có những giai đoạn chuyển biến tâm lí có thể từ rất ngoan sang chống đối, lí do có thể là có một thay đổi gì đó so với cuộc sống hàng ngày : ví dụ như ông bà đến thăm, ba đi công tác, quen với một bạn mới mà bé rất thích etc. Cái quan trọng là thấy có vấn đề là mẹ phải quan tâm uốn nắn luôn.

· Khi con mắc lỗi, hay nói không nghe, đừng cáu quá mà quát hay hét to hay tét đít để bé sợ mà dừng. Biện pháp này nếu có hiệu quả chỉ nhất thời thôi chứ về lâu dài thì lại rất tai hại. Quát to một lần bé sợ thì lần sau phải quát to hơn bé mới nghe, mà mình thì mệt mỏi. Hơn nữa ở chỗ công cộng bé sẽ biết ba mẹ không dám quát mắng to và sẽ không nghe lời ba mẹ. hơn nữa, ba mẹ luôn bình tĩnh bé sẽ thấy ba mẹ dứt khoát không nhân nhượng, và vì thế sẽ bỏ ý định ăn vạ. (Nói thật là mình là người dễ bị stressed, dễ cáu lắm. Cũng có lúc mình bực quá mà quát con rất to, nhưng mình luôn tự nhủ phải cố gắng tự kiềm chế. Và từ khi mình cố gắng bình tĩnh thì kết quả cũng khả quan hơn, mình ít quát hơn hẳn 🙂 ).

· Không nhân nhượng khi con ăn vạ : chỉ cần nhân nhượng 1 lần bé sẽ tiếp tục lần 2. Cách tốt nhất là hít thở bình tĩnh, ngồi chờ con khóc lóc chán thì thôi.

· Khen ngợi bé khi bé có thái độ tốt (như cho bạn mượn đồ chơi, kiên nhẫn chờ đến lượt … ). Nhưng chỉ khen ngợi lúc đầu thôi, về sau khi bé đã vào nếp rồi thì không nên khen nữa.

· Nếu nhắc bé mà bé không nghe, nên cảnh cáo hậu quả theo kiểu đếm « 1, 2, 3 » từ từ, chậm và rõ ràng và giải thích rõ nếu sau khi đếm đến 3 bé vẫn không nghe lời thì hậu quả là gì.

Một vài cách xử lí theo tình huống :

· Bé bị bạn đánh : nhiều mẹ sợ con mình bị bắt nạt nên dạy con là nếu bạn đánh, đẩy thì … đánh, đẩy lại, vì như thế mới dạy cho bé cách tự bảo vệ bản thân. Không nên đâu, thay vì dạy con trả đũa, hãy dạy con nói với bạn đánh mình là « đánh là hư, tớ không chơi với bạn nữa ». Tất nhiên lúc con chưa biết nói sõi thì chỉ cần dạy con xua xua tay và bảo « hư, hư » là được rồi. Như thế bé sẽ không đánh bạn và biết tránh xa bạn nào hay đánh.

· Bé thích chơi đồ chơi của người khác : Nếu là ở ngoài sân chơi chơi với các bạn không quen biết thì mình luôn nhắc bé phải hỏi bạn và bố/mẹ bạn nếu muốn mượn đồ chơi. Còn nếu khi chơi ở nhà một bạn thân hoặc chơi ở nhà mình thì mình luôn nhắc là đồ chơi của ai, nhưng hai con chơi chung và thay lượt nhau chơi.

Để bé không quấy :

Nhiều khi bố mẹ bận mà bé cứ quấy. Để bé ít quấy mình thấy thế này :

· Nếu như bé quấy vì bé quá hiếu động, vận động liên tục (như bé nhà mình) : ưu tiên các trò ngoài trời, các trò vận động thân thể cho bé tiêu hao năng lượng trước khi về nhà. Nếu ở nhà có thể làm cho bé một góc vận động (như cho bé một đống gối ở một góc nhà để cho bé nhảy nhót, như mua một cái cầu trượt nhỏ etc, nói chung là tự theo sáng tạo của bố mẹ).

· Xem lí do bé quấy là gì ? Trẻ con thích theo lập trình cố định, nên mình thường giải thích rõ chương trình trong ngày cho bé ngay từ buổi sáng. Sáng làm gì, chiều làm gì, đi đâu mình thông báo rõ (thường trên đường con đi học sáng). Bé có thể quấy vì đói, vì thiếu ngủ nữa, nên mình luôn chú ý cho bé ăn bữa phụ đúng giờ, cho bé ngủ đủ giấc rồi mới làm việc khác.

· Bé quấy vì muốn bố mẹ quan tâm hơn : Mình đều cố gắng chơi với con nhiều nhất có thể, nhưng nếu như mình bận không thể chơi với con, thì

Giải thích cho con, một cách ngắn gọn và rõ ràng, chẳng hạn là là mẹ đang nấu cơm mẹ sẽ vo gạo này, rồi mẹ phải làm abc này, con chờ mẹ làm xong rồi mẹ sẽ ra chơi với con. Đại loại là kể rõ việc mình phải làm là gì để bé hiểu lượng thời gian mẹ cần. Mẹ vừa làm vừa hỏi chuyện bé và nói « đây mẹ sắp song cái này, cái kia etc rồi », sau đó xong việc thì dành vài phút chơi với bé trước khi làm việc khác.

Cho bé vào bếp với mẹ : cho con cái dao gỗ để con cắt quả dưa chuột chẳng hạn, chú ý đảm bảo an toàn cho con

Tích trữ trong nhà một số đồ như : đất nặn (hoặc bột mì, cần thì chỉ cần nhào một cục rồi cho con chơi), giấy màu + hồ dán, màu vẽ, giấy vẽ, tranh tô màu, etc nhưng đừng bầy hết ra cho bé mà khi thấy bé quấy thì hãy xì ra, không thì bé sẽ dễ chán.

– Đồ chơi đừng đưa cho con hết, giấu hết ½ đi, thỉnh thoảng đưa ra món đồ cũ, bé sẽ háo hức chơi như đồ chơi mới, thế là cũng mua được 5’ yên tĩnh hihi.

– Thường khi về đến nhà là mình hay bật nhạc lên cho con nghe (nhạc mình bật youtube có vô vàn các bài hát trẻ em). Nếu nghe = máy tính thì mình tắt màn hình đi để tránh con ngồi xem, thế là con vừa chơi vừa nghe nhạc, hát và nhảy theo nhạc.

– Cái quan trọng nhất là khi bé quấy mẹ đừng mệt quá mà nổi đóa lên phạt con vì vừa phải làm việc, vừa dỗ con không được. Trong trường hợp cần quá cũng có thể cho con xem tivi nếu như con nhất định không chịu chơi một mình, nhưng chỉ cần chú ý không cho con xem quá lâu và quá thường xuyên thôi.

Thường thời gian vất vả nhất là khi bé biết đi cho đến khoảng 2 tuổi rưỡi. Tất nhiên là tùy trẻ em, có em tính cách nhẹ nhàng, không hiếu động và biết tập trung nghe lời. Có em thì rất hiếu động và vì thế ít tập trung, hay quên lời mẹ dặn. Tuy nhiên, nếu mẹ chú ý rèn con thì tầm 3 tuổi bé đã vào nếp rồi, và mẹ sẽ nhàn hơn rất nhiều vì nói bé hiểu và nghe lời mẹ. Tuy nhiên mẹ cũng vẫn phải theo sát và nhắc nhở con nếu con có hành vi không phù hợp.